Thuật ngữ “blockchain trilemma” lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà sáng lập Ethereum – Vitalik Buterin vào năm 2017 để đề cập đến một trong những thách thức lớn nhất đối với công nghệ tiền điện tử. Bộ ba bất khả thi này là gì? Cùng Saigontradecoin tìm hiểu!

Blockchain trilemma là gì?
Bộ ba bất khả thi của blockchain gồm: sự bảo mật (security), tính phi tập trung (decentralization) và khả năng mở rộng (scability).
- Phi tập trung: Một blockchain mang tính phi tập trung, có thể hoạt động mà không cần một cá nhân hoặc tổ chức nào chịu trách nhiệm nhờ mạng lưới node. Quyền lực được phân phối thay vì chỉ được nắm giữ bởi một thực thể duy nhất.
- Bảo mật: Khả năng bảo mật thông tin cho người dùng và chống lại các cuộc tấn công, lỗi và các vấn đề không lường trước khác.
- Khả năng mở rộng: Khả năng hệ thống blockchain xử lý số lượng giao dịch ngày càng tăng và có thể mở rộng theo quy mô.
Thoạt nhìn có vẻ hầu hết các blockchain đều sở hữu cả ba yếu tố này, tuy nhiên khi tìm hiểu sâu bạn sẽ nhận thấy rằng phần lớn các blockchain chỉ đảm bảo được 2/3 yếu tố trên. Ví dụ, Bitcoin phi tập trung và bảo mật cao nhưng chỉ có thể xử lý khoảng 7 giao dịch/giây. Về cơ bản, việc cố gắng để đạt được cả ba thuộc tính này là một vấn đề nan giải với các nhà phát triển. Khi cố gắng mở rộng blockchain đến một mức độ nào đó sẽ chắc chắn ảnh hưởng đến hai yếu tố còn lại. Tóm lại, một blockchain có thể có khả năng mở rộng và bảo mật hoặc phi tập trung chứ không thể có cả ba.
Tại lại đây lại là một vấn đề trong crypto?
Hiện tại, các cơ chế đồng thuận của blockchain đều có một hạn chế: mọi nút đầy đủ trong mạng phải xử lý mọi giao dịch. Số lượng giao dịch mà blockchain có thể xử lý không bao giờ có thể vượt quá số lượng nút tham gia vào mạng. Điều này có thể sẽ dẫn đến việc các blockchain bị quá tải bởi khối lượng công việc, gây ra sự chậm trễ và khiến người dùng phải trả các chi phí “cắt cổ”, đặc biệt trong những thời gian sôi động trên thị trường tiền điện tử.
Blockchain trilemma không phải là một vấn đề khi thị trường tiền điện tử còn nhỏ, nhưng hiện nay tài chính truyền thống và những ngành công nghiệp chính thống khác đang chuyển sang sử dụng nền tảng blockchain như một môi trường minh bạch, đáng tin cậy để cộng tác và trao đổi. Giờ đây, blockchain trilemma đã trở thành một thách thức lớn.
Giải quyết bộ ba vấn đề nan giải trong blockchain
Không có một giải pháp vàng nào cho các vấn đề nan giải này. Nhưng với tầm quan trọng của nó, đã có một số cách tiếp cận khác nhau trong cộng đồng với những kết quả thú vị. Hãy cùng điểm qua những giải pháp phổ biến nhất để có cái nhìn sâu sắc hơn trong lĩnh vực này:
1. Sharding
Đây là một phương pháp nhằm chia các blockchain (hoặc các loại cơ sở dữ liệu khác) thành các blockchain được phân vùng, nhỏ hơn để quản lý các phân đoạn dữ liệu cụ thể. Thiết lập này giúp giảm bớt căng thẳng cho một chuỗi duy nhất xử lý tất cả các giao dịch và tương tác trên mạng. Mỗi blockchain được phân vùng được gọi là một phân đoạn (shard) và có sổ cái riêng của nó. Các phân đoạn này sau đó có thể xử lý các giao dịch của riêng chúng, nhưng có một blockchain beacon (chuỗi báo hiệu) hoặc chuỗi chính quản lý các tương tác giữa các phân đoạn. Điều này làm cho phân đoạn trở thành một giải pháp nâng cấp khả năng mở rộng các mạng Layer 1, vì nó là một sự thay đổi đối với mạng chính của một blockchain.
2. Các cơ chế đồng thuận khác
Một trong những lý do khiến bộ ba vấn đề tồn tại trong mạng Bitcoin là do cách thức hoạt động của PoW để đảm bảo tính bảo mật. Nhu cầu về các công cụ thợ đào, các thuật toán tiền mã hóa và một lượng lớn sức mạnh tính toán phi tập trung tạo ra một hệ thống an toàn, nhưng chậm chạp. Vì vậy, việc tìm một cách khác để đảm bảo sự đồng thuận là một trong những cách tiếp cận để giải quyết vấn đề nan giải. Đây là một trong những lý do đằng sau việc Ethereum chuyển từ PoW sang Proof of Stake (PoS).
Trong blockchain PoS, những người tham gia xác thực giao dịch phải stake (khóa) các token của họ. Từ đó, không cần các máy đào chuyên dụng cao. Việc thêm nhiều trình xác thực vào mạng rẻ, đơn giản và dễ tiếp cận hơn. PoS chỉ là một trong nhiều cách tiếp cận khác nhau đối với các cơ chế đồng thuận có tính đến khả năng mở rộng.
3. Giải pháp Layer 2
Cả hai cơ chế đồng thuận và sharding đều được xem là những giải pháp Layer-1. Vì các giải pháp này đều có lối tiếp cận từ thiết kế cơ bản bên dưới mạng. Nhưng các nhà phát triển khác đang tìm cách giải quyết các vấn đề nan giải này theo một cách khác – các giải pháp xây dựng dựa trên cấu trúc mạng hiện có. Nói cách khác, họ nghĩ rằng câu trả lời nằm ở lớp thứ hai, hay còn gọi là Layer 2. Ví dụ về các giải pháp này bao gồm các sidechain và các kênh trạng thái.
Một sidechain về cơ bản là một blockchain riêng biệt được kết nối với chuỗi chính. Nó được thiết lập theo cách mà nội dung có thể lưu chuyển tự do giữa hai bên. Quan trọng là sidechain có thể hoạt động theo các quy tắc khác nhau, cho phép tốc độ và quy mô lớn hơn. Tương tự, các kênh trạng thái là một cách khác để loại bỏ các giao dịch khỏi chuỗi chính và giảm bớt áp lực lên Layer 1. Một kênh trạng thái sử dụng hợp đồng thông minh, thay vì một chuỗi riêng biệt, để cho phép người dùng tương tác với nhau mà không cần xuất bản giao dịch của họ lên blockchain. Blockchain chỉ ghi lại điểm bắt đầu và kết thúc của kênh.